Nên cho trẻ học nhạc như thế nào?


       Xu hướng cho con em đi học năng khiếu vào dịp hè đã trở thành khá phổ biến ở thành phố. Thế nhưng, không ít trường hợp, thực chất, các em "bị" ép học chứ không phải vì có năng khiếu hay sở thích 

Trẻ em nên học cách "nghe""nhạc 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã nhận định, trẻ em nếu được tiếp xúc sớm với âm nhạc sẽ có sự phát triển tốt về khả năng giao tiếp với đời sống bên ngoài, ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển tính cách, tâm sinh lý của trẻ, giúp các em biết sống có chiều sâu hơn, biết cảm nhận cái đẹp hơn. Âm nhạc tác động trực tiếp đến người nghe, không chỉ về thính giác mà còn là sâu thẳm trong tâm hồn, trong tư duy, nhận thức cuộc sống. 

Tuy nhiên, việc dạy nhạc phổ thông hiện nay trong nhà trường đôi khi chỉ dừng lại ở mức dạy bài hát, dạy lý thuyết nhạc mà không chú trọng tới phần dạy nghe nhạc. Các em nhỏ được học một cách máy móc các bài dân ca, các bài hát truyền thống trong khi lại không biết cách cảm thụ những cái hay, cái hồn của mỗi bài ca . Có thể hiểu vì sao, thời nay, nhạc thị trường với ca từ đơn giản, ít tính văn học, dễ nghe, dễ thuộc khiến các em nhỏ hay hát, hay nghe nhiều hơn là với những bản nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới. 

Không phải trẻ em nào cũng nên cho học nhạc! 

Thạc sĩ Lại Hồng Đăng, Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật của Cung Thiếu nhi Hà Nội, nói: "Muốn học nhạc, các em trước hết phải có niềm yêu thích, có đam mê, sau nữa là cần có năng khiếu. Đó là sự nhanh nhạy trong nhận thức, phản ứng (nhớ nhịp phách, tay đàn...), có thính giác âm nhạc, biết nghe, biết cảm thụ nhanh những yếu tố của âm nhạc như tiết tấu, cao độ,...". 

Chị Trịnh Lan Anh, giáo viên Trường Trung học Công nghiệp chế tạo máy, mẹ của bé Vũ Quốc Khánh (5 tuổi) tuần nào cũng đều đặn 2 buổi đưa con tới đây học đàn organ và ngồi học cùng con ngay tại lớp. Chị cho biết: "Do cháu còn quá nhỏ, lại đi học lần đầu nên thầy cô yêu cầu có phụ huynh đi kèm. Tuy hơi vất vả nhưng tôi nghĩ, việc cho cháu học nhạc sớm sẽ có tác dụng tốt cho sự phát triển tính cách của cháu, chẳng hạn như sự kiên nhẫn... 

Ở đây, cháu được sinh hoạt tập thể, sẽ mạnh dạn hơn trong giao tiếp sau này. Hình thức này sẽ giúp cháu học tốt hơn các môn văn hóa khác trong nhà trường...". Đối với chị Lan Anh, việc cho con đi học nhạc chỉ là bổ trợ trong việc nuôi dạy, giáo dục con, chứ không phải vì con mình có năng khiếu, hay sở thích đối với âm nhạc. 

Lấp chỗ trống cho những ngày hè rỗi của con cái, nhiều người quan niệm đơn giản về tác dụng của âm nhạc đối với trẻ, ý thích chủ quan của bố mẹ... Chính điều này đã khiến nhiều bậc phụ huynh hiện nay đua nhau cho con đi học nhạc, mà thực chất, không có hiểu biết khoa học về việc sinh hoạt ngoại khóa của trẻ. 

Tôi đã được chứng kiến một cảnh học nhạc khá vất vả của một cậu bé lớp 2 tại phường Phương Liên. Vì thích âm nhạc, thích có đứa con biết chơi đàn... nên ông bố đã mời hẳn thầy dạy về nhà cho con học chuyên sâu. Song, cả một tháng, cậu bé vẫn chưa học nổi một bản nhạc. Cứ đến cuối tuần, cả xóm lại bị "tra tấn" bởi tiếng đàn vang to, rời rạc, lặp đi lặp lại đến nhàm chán một bản nhạc đó. Cậu bé chỉ thích mau mau xong giờ học đàn để chạy ra ngoài đá bóng! 

Năng khiếu và sở thích là quan trọng 

Cô giáo Lương Diệu Anh, có thâm niên 8 năm dạy nhạc cho trẻ em, nói: "Việc học nhạc khá nhẹ nhàng, sẽ giúp các em thư giãn, là hình thức sinh hoạt văn hóa bổ ích . Tuy vậy, các bậc phụ huynh nên xem xét các yếu tố năng khiếu và nhất là sở thích của trẻ. 

Với những em không có năng khiếu nhưng lại yêu thích môn nhạc thì đó sẽ là động lực để em chăm chỉ luyện tập. Song, nếu các em không thích thì dù âm nhạc có tuyệt vời đến đâu, các em sẽ cảm thấy giờ học nặng nề, lâu dần sẽ tạo tâm lý ức chế, phản tác dụng giáo dục. Hơn nữa, sự bất hợp lý này sẽ dẫn đến lãng phí cả về tiền của và thời gian". 

Vậy nên cho trẻ học nhạc như thế nào? 

Thạc sĩ Lại Hồng Đăng cho rằng: "Trước hết, hãy cho các em tập nghe nhạc, có thể là các bản nhạc nổi tiếng thế giới! Hoặc tập hát những bài yêu thích. Đối với những em còn nhỏ quá, dưới 5 tuổi, chưa có biểu hiện gì về năng khiếu thì không nên cho học sớm, bởi các em sẽ khó tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, các bậc phu huynh cần chú ý hai yếu tố quan trọng hàng đầu: năng khiếu và sở thích. Chỉ khi nào học môn phù hợp với hai yếu tố này, dù đó là vẽ, là kịch, là đá bóng... thì đều có tác dụng rất tích cực cho sự phát triển nhận thức của các em.